Chồng cất tiền riêng để thỏa mãn đam mê
Mới đây, trong một hội nhóm bàn về chuyện chi tiêu, một phụ nữ sống ở Hà Nội đăng bài cho biết bản thân rất đau đầu vì chồng cô mắc chứng “nghiện” đồ công nghệ.
Người này chia sẻ, cô và chồng đã có 2 con, bé thứ 2 vừa mới sinh. Tổng thu nhập cố định của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập của vợ là 12 triệu đồng/tháng và chồng là 18 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cô tiêu khoảng 20 triệu đồng, 10 triệu đồng còn lại là tiền để dành.
Nghe qua, nhiều người cho rằngcặp vợ chồng này cân đối chi tiêu tốt, gia đình có 2 con dư 10 triệu đồng trong tổng thu nhập 30 triệu đồng hằng tháng là hợp lý.
Tuy nhiên, người vợ cũng chia sẻ thêm, ngoài khoản tiền 18 triệu đồng góp vào để vun vén gia đình hằng tháng, chồng cô còn có một công thêm khác không công khai với vợ. Cô cũng không biết chính xác số tiền chồng có được từ công việc này hằng tháng là bao nhiêu.
“Chồng em nhận việc bên ngoài làm thêm, tiền đó anh giữ phục vụ đam mê của anh như cá cảnh, đồ công nghệ, máy móc, đồ trang trí… Anh ấy không chỉ mua một lần là xong mà đam mê cứ thay đổi liên tục. Dùng chán xong lại bán cái cũ, đổi cái mới, không có điểm dừng”, người phụ nữ nói.
Cô cho biết chồng mình mua gì cũng không bàn bạc với vợ, chỉ khi thấy chồng “rước” món đồ về nhà thì cô mới biết. Trong khi đó, những món đồ phục vụ thú vui của chồng cô không rẻ, trị giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Người phụ nữ cũng nói thêm, kết hôn đã 8 năm, nhưng đến nay vợ chồng cô vẫn ở nhà thuê. Cô đã nhiều lần bàn bạc với chồng, mong chồng đưa thêm khoản tiền làm thêm đó cho vợ để tích góp tiền mua nhà trả góp cho con cái có chỗ ở ổn định trong tương lai. Song, chồng cô không đồng ý.
Người phụ nữ chia sẻ: “Anh nói đam mê đó là tiền anh kiếm được bên ngoài, không động đến số tiền cố định hằng tháng cho gia đình hay xin thêm của vợ. Em thì chắt góp từng đồng, còn anh cứ tiêu xài như vậy nên 2 vợ chồng cũng nhiều lần cãi nhau, song vẫn không tìm ra cách giải quyết”.
Người phụ nữ cho biết, vì hết cách, nên cô muốn trưng cầu ý kiến cộng đồng mạng, xin lời khuyên để chồng ưu tiên gia đình hơn và đưa cho vợ hết số tiền kiếm được từ việc làm thêm để tích góp mua nhà. “Sau này mua được nhà rồi thì đam mê gì em cũng không can thiệp nữa”, cô chia sẻ.
“Vợ chồng phải có ý thức vì mục tiêu chung”
Bài đăng của người phụ nữ trên lập tức thu hút sự chú ý của dân mạng. Dưới phần bình luận, không ít người thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cho rằng người vợ đã quá khắt khe, nên cho chồng sống với đam mê để có thêm động lực phấn đấu.
Một tài khoản viết: “Tiền lương đưa vợ hết 100% rồi thì cũng phải cho họ sống với đam mê chứ. Họ có vui vẻ thì mới có tâm trạng để sáng tạo”.
Một bình luận khác cũng cho rằng, chồng đam mê đồ công nghệ, đồ trang trí hay cá cảnh là chuyện quá bình thường, miễn người này không vướng vào cờ bạc hay những bộ môn thiếu lành mạnh là được.
Ngoài ra, có người còn góp ý cô vợ nên nghiêm túc cùng chồng lập ra bản kế hoạch cho việc mua nhà, rồi cả 2 cùng phấn đấu. Nếu vợ không có thu nhập thêm, thì cũng nên bày tỏ mong muốn với chồng để chồng góp nhiều hơn hằng tháng, chứ không thể bắt buộc một người gác lại đam mê, sở thích.
“Gọn gàng, sạch sẽ, có đam mê, biết tìm niềm vui lành mạnh, tự kiếm thêm tiền phục vụ sở thích, sống cân bằng và trách nhiệm nhưthế rất đáng trân trọng mà”, một tài khoản nhận xét.
Bên cạnh đó, có người cho rằng cô vợ khó chịu trong trường hợp này là dễ hiểu, bởi việc người chồng không quan tâm đến chuyện mua nhà, chính là hời hợt, thiếu trách nhiệm với gia đình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí xoay quanh trường hợp trên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng trong hôn nhân, dù xét về quan điểm xã hội hay pháp luật, đều không có sự phân chia tiền chồng hay tiền vợ.
“Chuyện ai là người giữ tiền, ai chi tiêu không quan trọng, bởi đã là vợ chồng, thì thu nhập là chung, chi tiêu là chung, trách nhiệm và ý thức là chung. Chuyện chồng đưa cho vợ hết để vợ tự cân đối chi tiêu hay vợ giữ hết tiền của chồng rồi tự xoay xở, tự để dành đủ thì mua nhà đều là không hợp lý”, ông Điền nhận định.
Ông cho rằng, mỗi cá nhân trong gia đình đều phải có trách nhiệm xem xét, thấu hiểu rằng gia đình mình cần gì và bản thân mình phải làm gì, mua sắm gì cho tổ ấm. Thêm nữa, xét về quan niệm xưa nay, an cư mới lạc nghiệp, nên mua nhà cũng là điều cần thiết.
“Vợ chồng nên bàn bạc với nhau, xem chồng dành dụm được bao nhiêu, vợ được bao nhiêu, cần vay thêm bao nhiêu và có kế hoạch trả thế nào để mua nhà, chứ không phải chồng cứ đưa tiền cho vợ tiêu xài, dư bao nhiêu thì để đó khi nào đủ thì mua, không thì thôi”, ông Điền nêu quan điểm.
Ông cũng chia sẻ thêm, chuyện chồng hoặc vợ giữ tiền để sắm sửa, gặp gỡ bạn bè, phục vụ đam mê đều là chuyện bình thường. Song, ai cũng phải có ý thức vì mục tiêu chung. “Nếu người chồng hoặc người vợ không thể hiện được sự quan tâm gia đình, bạn đời của họ khó chịu cũng là điều dễ hiểu”, ông Điền chia sẻ.